Đột quỵ ở người trẻ: nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa, chế độ dinh dưỡng
Có khoảng 25% trường hợp đột quỵ ở người trẻ tuổi và con số này đang ngày càng tăng. Nhiều người nhận định rằng hiện tượng tai biến mạch máu não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng thực tế bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị tai biến, đặc biệt do thói quen sinh hoạt người trẻ lạm dụng rượu bia, th uốc lá… nên xảy ra tình trạng đột quỵ trẻ hóa trong những năm gần đây.
1. Tìm hiểu tình trạng đột quỵ ở người trẻ là gì?
- Đột quỵ ở người trẻ tuổi:
Theo Tổ chức đột quỵ Mỹ, tình trạng đột quỵ đang bị trẻ hóa trong thời gian gần đây, bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ trong độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi chiếm khoảng 15%, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua.
Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi đang tăng đáng báo động (chiếm khoảng 25% trong số các ca đột quỵ).
+ Đột quỵ ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Rất nhiều người lầm tưởng bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người già nhưng trẻ em và trẻ sơ sinh cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ. Trẻ thường bị đột quỵ trong vòng 28 ngày đầu tiên sau khi sinh ra. Điều này được giải thích là do, trong thời kỳ mang thai protein từ mẹ giúp giảm nguy cơ chảy máu, nhưng chính điều này khiến thai nhi bị đông máu và dẫn đến bệnh đột quỵ…
2. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi thường gặp
2.1 Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn - Bệnh viện Bạch Mai cho biết có rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tai biến ở người trẻ tuổi:
- Thói quen uống rượu, bia quá mức cho phép.
Uống rượu bia , đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến bệnh xuất huyết não (một thể của bệnh đột quỵ) ở người trẻ tuổi.
- Sử dụng các chất kích thích (ma túy, hút thuốc lá…).
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, có sự liên quan giữa số điếu thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ mắc bệnh đột quỵ và có khoảng 50% số bệnh nhân trẻ tuổi bị bệnh đột quỵ là có sử dụng thuốc lá. Trong một điếu thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hoá học như fomandehit, carbon monoxide, cyanide và arsenic. Những chất độc này sau khi đi vào phổi sẽ làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong phổi, từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tổn thương mạch máu não.
- Lối sống buông thả, sống không lành mạnh như:
Ăn nhiều đồ ăn nhanh, chiên rán, ăn nhiều muối, ăn ít rau và trái cây (11% số trường hợp đột quỵ).
- Lười vận động dẫn đến tình trạng béo phì cũng như nhiều bệnh lý khác.
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho biết có khoảng 10% các bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có thừa cân (chỉ số BMI - chỉ số khối của cơ thể lớn hơn 30, người bình thường BMI nhỏ hơn 23). Ngoài ra các chỉ số về số đo vòng bụng, tỷ lệ chiều cao/ vòng bụng và tỷ lệ vòng bụng/ vòng hông còn có một liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ. Giới trẻ ngày càng thích sử dụng điện thoại, máy tính hơn là tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
- Môi trường làm việc căng thẳng, thường xuyên bị áp lực…
- Có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan tới đột quỵ
Như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ máu (khoảng 50-60% bệnh nhân đột quỵ do rối loạn chuyển hóa mỡ máu), béo phì…
Bệnh đái tháo đường gặp ở 30% và bệnh tăng huyết áp gặp ở 10% trong số những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi. Đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ có đái tháo đường lên đến 54.8%. Tại Việt Nam bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hoá, nhiều ca bệnh ghi nhận có trẻ từ 9 đến 13 tuổi, thành niên từ 20 đến 30 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường.
- Do di truyền từ người thân trong gia đình
Đột quỵ còn có tính di truyền, sự bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu sẽ dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch - một yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Đặc biệt là bệnh lý dị dạng mạch máu não: dị dạng mạch máu não là một trong những lý do hàng đầu gây nên bệnh đột quỵ. Các mạch máu não phát triển bất thường tạo thành những túi phình với thành mạch máu mỏng, nên khi vì một nguyên nhân nào đó nó sẽ vỡ ra và gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu khi bị bóc tách sẽ gây hẹp, tắc mạch dẫn đến nhồi máu não. Hiện nay chưa có biện pháp nào dự phòng bệnh dị dạng mạch máu não, tuy nhiên có thể phát hiện ra khi làm các xét nghiệm chụp cộng hưởng từ mạch máu não hay chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não.
2.2 Nguyên nhân đột quỵ ở trẻ em
Nếu như nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ chủ yếu liên quan đến bệnh xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, thì ở trẻ em thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch máu hay gặp nhất là bệnh lý bóc tách động mạch, viêm động mạch và dị dạng động mạch. Ngoài ra có thể do các bệnh về máu dẫn đến tình trạng tăng đông máu hoặc giảm đông máu.
Tỷ lệ người trẻ tuổi bị bệnh đột quỵ gia tăng là rất đáng lo ngại vì nếu không được cấp cứu kịp thời đột quỵ sẽ để lại di chứng nguy hiểm. Vì vậy việc cảnh báo các dấu hiệu đột quỵ và hướng dẫn phòng ngừa là rất quan trọng.
3. Cảnh báo các dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ tuổi
3.1 Dấu hiệu của bệnh đột quỵ ở người trẻ
Người trẻ mắc bệnh đột quỵ các dấu hiệu thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng:
- Đột ngột xuất hiện tình trạng đau đầu dữ dội, chóng mặt.
- Chóng mặt, loạng choạng, mất thăng bằng cơ thể.
- Đột ngột giảm thị thực, có thể ở một mắt hoặc cả hai bên mắt.
- Khuôn mặt mất cân đối, nhân trung bị lệch và chảy xệ nửa bên mặt.
- Cơ thể mệt mỏi, không có sức lực, khó khăn trong việc thực hiện và phối hợp các động tác.
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, chân hoặc tay, thường bị một bên của cơ thể.
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong việc phát âm, người bệnh nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói và nói ngọng một cách bất thường.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đội quỵ cần ngay lập tức gọi dịch vụ xe cấp cứu người bệnh và thực hiện các biện pháp sơ cứu đột quỵ cho người bệnh
3.2 Dấu hiệu của bệnh đột quỵ ở trẻ nhỏ
Tuy số lượng không nhiều vì đây được xem như là một bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên việc phát hiện muốn sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người trẻ đều là xảy ra đột ngột:
- Liệt nửa người.
- Rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói khó.
- Rối loạn thị giác, có thể một hoặc cả hai bên mắt.
- Rối loạn thăng bằng.
Tuy nhiên cũng có một số điểm khác biệt cần phải lưu tâm đó là tình trạng co giật ở trẻ em xảy ra khá nhiều, đôi khi đây còn là những dấu hiệu nhận biết đầu tiên. Tình trạng đau đầu và nôn cũng xảy ra khá nhiều, tùy nhiên những dấu hiệu này thường nhầm lẫn sang các bệnh lý khác như bệnh động kinh, tiêu hóa… do vậy rất dễ bị bỏ qua. Nếu trẻ còn quá nhỏ, chưa biết đi, chưa biết nói, diễn tả tình trạng của bản thân thì khi thấy trẻ có biểu hiện co giật, có những hành động và ý thức bất thường thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
4. Hướng dẫn cách phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ
- Kiểm soát cân nặng thường xuyên.
- Tập thể dục mỗi ngày: tối thiểu 30 phút/ ngày và 150 phút/ tuần. Hoạt động thể lực ngoài làm giảm nguy cơ đột quỵ còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, trầm cảm và giúp kiểm soát cân nặng.
- Chế độ ăn khoa học: giảm chất béo, ăn nhạt, ăn nhiều rau và hoa quả.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích (ma túy, thuốc lá…).
- Khám sức khỏe định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần trong năm. Không được chủ quan cho rằng bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi.
- Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là tích cực điều trị các bệnh mãn tính mắc phải như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường và rung nhĩ…
- Trong gia đình người bệnh mà có người từng mắc các bệnh về mạch máu, nhanh đông máu nên đến tìm gặp bác sĩ để loại trừ được khả năng mắc bệnh.
5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh đột quỵ ở giới trẻ
Biến chứng của bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng tương tự như biến chứng của bệnh đột quỵ ở người cao tuổi. Mặc dù sức đề kháng của người trẻ tuổi cao hơn nhưng nếu bệnh không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể đẻ lại nhiều di chwunsg sau đột quỵ cực nguy hiểm.
- Sưng và phù nề não: khiến cho người bệnh đi bộ khó, khó vận động tay chân do liệt. Đồng thời người mắc bệnh đột quỵ có thể bị giảm thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt.
- Viêm phổi: việc này khiến cho người bệnh khó có thể nhai, nuốt như bình thường được.
- Đau tim: nguyên nhân là do động mạch bị xơ vữa, các mảng xơ vữa khi vỡ ra có kích thước quá lớn ngăn chặn máu lưu thông sẽ gây đau tim.
- Trầm cảm: đây là biến chứng rất phổ biến của bệnh đột quỵ. Nếu người bệnh đã có tiền sử mắc bệnh trầm cảm thì các biến chứng sẽ nặng nề hơn nữa.
- Viêm loét, hoại tử các bộ phận do nằm liệt trong thời gian dài
- Nhận thức giảm sút: điển hình là mất trí nhớ phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer.
- Động kinh: Biến chứng này phá phổ biến ở những bệnh nhân đột quỵ, thường khiến người bệnh co giật.
- Các chi co cứng, đau vai: các chi bị co cứng dẫn đến người bệnh bị hạn chế vận động.
- Chứng nghẽn mạch máu: biến chứng này là do người bệnh mất khả năng vận động dẫn đến hình thành các cục máu đông ở chân.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang: khi đặt ống thông tiểu nếu không đảm bảo điều kiện vô trùng sẽ dẫn khiến người bệnh nhiễm trùng.
- Mất chức năng ngôn ngữ: người bệnh sẽ có các biểu hiện như nói khó, nói những từ ngữ vô nghĩa, nói nhảm…
Tóm lại, từ những nguyên nhân trên chúng ta thấy rằng bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể đẩy lùi được nếu thực hiện lối sống lành mạnh. Ngoài ra, người trẻ không được chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ. Khi thấy mình có các dấu hiệu (đột ngột yếu liệt chân tay, méo miệng, nói khó…) cần đến ngay bệnh viện, phòng khám để được các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh tư vấn, điều trị kịp thời.
6. Chế độ dinh dưỡng cho người bị Đột quỵ
Nguyên tắc trong việc cung cấp dinh dưỡng cho người bị đột quỵ
- Năng lượng nên giảm bớt để giảm hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn, tránh tăng cân, năng lượng khuyến cáo từ 30-35kcal/kg cân nặng/ngày (Cân nặng 50 kg thì năng lượng khoảng 1500 – 1750 kcal/ngày).
- Lượng đạm bổ sung ít hơn người bình thường: 0,8g/kg cân nặng/ngày. Trường hợp, người bệnh có suy thận, lượng đạm giảm hơn theo khuyến nghị.
- Chất béo nên giữ 25-30g chất béo/ngày. Hạn chế Cholesterol < 300 mg/ngày
- Bổ sung kali, các vitamin và muối khoáng.
- Mỗi ngày dùng ít nhất 300mcg acid folic
- Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, tốt nhất ở dạng mềm lỏng: cháo, súp, sữa
- 3-4 bữa/ngày
- Tránh ăn quá no
- Muối giảm 4-5g/ngày
Thực phẩm nên dùng
- Gạo, khoai củ, mỳ, miến, bún...
- Chọn thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật, ít cholesterol: đậu tương, lạc, vừng...đạm động vật: thịt nạc các loại, cá đồng, sữa...
- Sử dụng các thực phẩm dầu thực vật: dầu lạc, dầu vừng...có khả năng giảm nguy cơ đột quỵ.
- Chọn thực phẩm giàu kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp, chống lại tình trạng toan: khoai tây, chuối, hồng xiêm...
- Thực phẩm giàu folic: gan, rau lá xanh, quả có vị chua, các loại đậu, mỳ, gạo và các sản phẩm từ ngũ cốc.
Thực phẩm hạn chế dùng
- Không nên dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, chè chát, rượu, cà phê...
- Tránh các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối: cà muối, dưa muối, hành muối, thịt hun khói, bánh mỳ, xúc xích, bate...
- Trứng ăn tối đa 2 quả/ngày (nên ăn cả lòng trắng và lòng đỏ)
Để giảm các biến chứng của đột quỵ, hạn chế đột quỵ lần 2, người bị đột quỵ nên tuân thủ chế độ ăn như hướng dẫn để có cuộc sống khoẻ mạnh!
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.
Viết bình luận